Chi phí logistics cấu thành từ nhiều yếu tố
Tại hội thảo “Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics” do Báo Công Thương và Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) tổ chức ngày 28/4, vấn đề chi phí logistics tăng cao được nhiều doanh nghiệp (DN) đề cập.
Đơn cử, ông Trương Tấn Lộc – Giám đốc Marketing, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn – đơn vị khai thác 18 cảng trải dài trên nhiều tỉnh, thành miền Trung và Nam cho rằng, giá nhiên liệu tăng đột biến trong năm 2022 (tăng khoảng 33% so với giá trung bình 2021) ảnh hưởng đến chi phí của DN. Trong khi đó, các cơ quan hữu quan còn chưa tạo điều kiện thuận lợi như việc kiểm soát hàng quá cảnh qua các cửa khẩu, gây khó khăn cho các hãng tàu, khách hàng.

Bà Lê Thị Ngọc Diệp – Giám đốc, Trưởng bộ phận Thương mại, Công ty SLP Việt Nam cho rằng, hạn chế cho sự phát triển của logistics chính là Việt Nam có chi phí logistics cao hơn nhiều so với các nước trên thế giới, nhất là so với một số nước trong khu vực Thái Lan, Singapore chi phí logistics đã giảm. Điều này tạo rào cản cho năng lực cạnh tranh trên thị trường của Việt Nam. Theo số liệu của Ngân hàng thế giới, chi phí logistics ở Việt Nam dao động từ 20,9-25% GDP.
Ở góc độ cơ quan quản lý Nhà nước, ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) khẳng định, chi phí logistics cấu thành từ nhiều yếu tố, bao gồm cả yếu tố môi trường khách quan và yếu tố chủ quan nội tại của DN.
“Về yếu tố khách quan, thời gian vừa qua Việt Nam đã có nhiều nỗ lực cải thiện hạ tầng. Đặc biệt trong những ngày gần đây lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ liên tục đốc thúc cải tạo, nâng cấp hạ tầng logistics, đặc biệt là đường cao tốc. Đây là điểm nghẽn, điểm yếu của Việt Nam làm cho chi phí logistics tăng cao”, ông Hải đánh giá.
Với riêng ngành đường sắt dù đã có những nỗ lực nhưng thời điểm hiện tại hiệu quả của ngành đường sắt chưa thực sự được nâng cao. Đặc thù của đất nước Việt Nam là hình chữ S, vận chuyển hàng hóa theo chiều dài chủ yếu dựa vào đường bộ, đây cũng chính là nguyên nhân làm cho chi phí logistics ở mức cao.
Với yếu tố nội tại của DN, trong đó có cả DN sản xuất, DN thương mại và DN cung cấp dịch vụ logistics, mức độ chuyên nghiệp hóa chưa cao, sự lãng phí trong quy trình sản xuất cũng như trong hoạt động nghiệp vụ logistics khiến chi phí tăng cao.
Đặc biệt, yếu tố dịch bệnh COVID-19 trong 2 năm vừa qua gây ra tình trạng ùn tắc tại các cảng trọng điểm ở Châu Âu hay Mỹ, dẫn đến việc thiếu nguồn cung, không đủ chỗ trên tàu cũng như thiếu container rỗng, từ đó gây áp lực tăng giá cước vận tải biển. Đến thời điểm này, cước vận tải biển vẫn chưa giảm được bao nhiêu.
“Chi phí logistics bao gồm nhiều yếu tố cấu thành. Do đó, thời gian qua, Chính phủ, Bộ Công Thương cũng như các bộ, ngành, liên quan đã tập trung giải quyết vấn đề này. Trong đó có việc cải thiện vấn đề pháp lý, những khâu liên quan đến dịch vụ công của Nhà nước, ví dụ như hoạt động hải quan – hoạt động có tác động rất sâu sắc trong chuỗi dịch vụ xuyên biên giới hay việc nâng cấp hạ tầng. Tất nhiên nâng cấp hạ tầng không chỉ mỗi Nhà nước bỏ vốn. Chúng ta vẫn phải kêu gọi sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài. Sự tham gia của DN trong việc nâng cấp hạ tầng rất quan trọng”, ông Hải cho biết.
Nguyên nhân tiếp theo được ông Hải chỉ ra là do năng lực của chính các DN logistics. Các DN chưa mạnh thì đương nhiên chi phí còn bị dâng cao; cũng như tính quốc tế hóa, tính chuyên nghiệp của các DN Việt Nam chưa cải thiện được thì cũng khó để kéo giảm chi phí logistics. Vì vậy, việc nâng cao năng lực cho các DN logistics là thực sự cần thiết.
Cần xem xét cẩn trọng khi thu phí hạ tầng
Liên quan đến vấn đề thu phí hạ tầng, ông Lê Quang Trung – Phó Chủ tịch Hiệp hội Logistics Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc Công ty Hàng hải Việt Nam chia sẻ, thực tế việc thu phí hạ tầng đã được thực hiện ở TP Hải Phòng trong nhiều năm và từ tháng 4 năm nay TP Hồ Chí Minh áp dụng thu phí hạ tầng.
“Đương nhiên việc áp dụng thu phí hạ tầng cảng biển sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến chi phí vận tải và logistics. Việc áp mức phí 500.000 đồng cho container 20ft, người phải chịu cuối cùng là các DN xuất nhập khẩu. Về vấn đề này đã có rất nhiều tranh luận, trao đổi vì liên quan đến nguồn thu ngân sách”, ông Trung nói.
Ở góc độ doanh nghiệp, hiệp hội trong ngành logistics, ông Trung chia sẻ, thực tế, ngoài vận tải đường bộ thì vận tải đường thủy nội địa là hạng mục hết sức quan trọng. Vận tải thủy nội địa trong nhiều trường hợp không trực tiếp sử dụng hoặc làm ảnh hưởng đến hạ tầng công trình công cộng thông thường.
Do đó, ông Trung cho rằng, vấn đề này cần được xem xét một cách cẩn trọng. Cho đến thời điểm này TP Hồ Chí Minh vẫn đang áp dụng thu phí.
“Chi phí tăng thêm thì chi phí logistics áp lên khách hàng sẽ cao hơn. Tuy nhiên, cũng cần cân nhắc đến vấn đề thời điểm khi áp dụng thu phí trong khi DN đang chịu tác động lớn bởi đại dịch cũng như tính hợp lý của các phương thức vận tải. Một số phương thức vận tải không sử dụng đến hạ tầng hay qua biên giới thì sẽ vi phạm áp phí hai lần với quốc gia lân cận là Lào hay Campuchia. Như vậy, cần lưu ý khi áp dụng trong thu phí”, ông Trung nói.
 

02253273868
icons8-exercise-96 challenges-icon