Trước thời điểm dịch bệnh bùng phát cách đây 2 năm, cả nước chỉ có 48 hệ thống kho lạnh lớn với sức chứa 600.000 kệ hàng. Khi đó công suất lấp đầy của hệ thống kho lạnh này đã ở mức 80%. Việc huỷ bỏ các đơn hàng xuất khẩu cảng biển trong cao điểm đại dịch năm 2021 đã buộc các kho lạnh phải hoạt động tối đa công suất.
Theo ông John Campbell, quản lý cấp cao của Savills Việt Nam, thị trường cho thuê kho lạnh của cả nước được dự báo sẽ đạt giá trị 295 triệu USD vào năm 2025 với mức tăng trưởng 12% mỗi năm. Nhu cầu ngày càng tăng, nhưng nguồn cung cấp kho lạnh vẫn khá ít. Sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử đang khiến các cơ sở lưu trữ đông lạnh chịu nhiều áp lực do diện tích hạn chế, ngay cả khi các nhà đầu tư trong nước và quốc tế đã đẩy mạnh mở rộng các cơ sở lưu trữ lạnh trong 3 năm qua. Thời gian đầu tư, xây dựng hệ thống kho lạnh kéo dài và chi phí cao đã khiến giá thuê kho lạnh tăng nhanh, từ mức 52 USD vào đầu năm 2020 lên 87 USD/tấn hàng hóa trong năm nay.
Chuỗi logistics lạnh của Việt Nam hiện chủ yếu được chia thành hai phân khúc, kho lạnh với sức chứa khoảng 600.000 kệ hàng và hoạt động vận tải lạnh với số lượng hơn 700 xe tải đông lạnh và xe tải thùng đông lạnh. Thời gian qua, hệ thống kho lạnh tại khu vực phía Nam phát triển hơn do nhu cầu cao từ các mặt hàng thực phẩm, thủy sản và bán lẻ. Tuy vậy, thị trường phía Bắc cũng đã chứng kiến sự hồi sinh của lĩnh vực logictics lạnh với công suất thiết kế tăng đột biến, từ sức chứa 26.750 kệ hàng lên 71.750 kệ chỉ sau 3 năm. Theo ông John Campbell, hoạt động bán lẻ thương mại hiện đại là đòn bẩy chính cho lĩnh vực logistics lạnh khi có khoảng 80% nhu cầu được tạo ra từ các ngành thực phẩm.
Với thị trường cho thuê kho lạnh, tuy các công ty trong nước dẫn đầu về diện tích cung cấp, nhưng các công ty nước ngoài như Emergent Cold, PFS, LOTTE Logistics đang dẫn đầu về chất lượng, quản lý và dịch vụ đi kèm là hệ thống kho với nhiều vùng nhiệt độ, mã vạch và hệ thống quản lý hàng tồn kho. Cách đây 2 năm, hệ thống kho lạnh 16 Mekong Logistics của Minh Phú – Gemadept, ABA Cooltrans, Emergent Cold và Hoàng Lai Group đã trở thành những nhà cung cấp kho lạnh hàng đầu, với sức chứa là 45.000 – 50.000 kệ hàng mỗi kho. Các kho lạnh thương mại và các cơ sở tự vận hành chiếm chủ yếu trong mảng kinh doanh này, trong đó lĩnh vực chế biến thủy sản chiếm lĩnh thị trường tự vận hành. Từ năm 2009 đến 2019, tổng giá trị nhập khẩu cá đông lạnh của cả nước 71 tăng từ 195 triệu USD lên 828 triệu USD; giá trị nhập khẩu tôm và tôm đông lạnh tăng từ 72 triệu USD lên 705 triệu USD, thực trạng này cho thấy Việt Nam có tiềm năng trở thành một trung tâm gia công chế biến thủy sản trong khu vực.
Đánh giá về tiềm năng phát triển của lĩnh vực kho lạnh, ông John Campbell cho biết, Việt Nam vẫn là một nền kinh tế phát triển nhanh với môi trường kinh doanh ổn định. Việc mở cửa những chuyến bay quốc tế sẽ là một trong những yếu tố tiên quyết cho một năm 2022 thành công, các công ty đa quốc gia sẽ tiếp tục theo đuổi để mở rộng sản xuất tại Việt Nam, nhất là khi việc hạn chế đi lại quốc tế được dỡ bỏ.
Sau khi hoàn thành nhiều nghiên cứu thị trường về tính khả thi của việc đầu tư kho lạnh tại Việt Nam, chuyên gia Troy Griffiths nhận định, thị trường Việt Nam gần đây cũng đã chứng kiến sự gia tăng hoạt động đầu tư cho dịch vụ phát triển kho lạnh. Đại dịch đã củng cố giá trị của chuỗi cung ứng, càng tạo thêm tính khả thi cho phân khúc này. Gần đây khá nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài trong việc phát triển hệ thống kho lạnh tại Việt Nam để nắm bắt xu thế hiện đại hóa hoạt động bán lẻ, nhất là trong cung ứng nguồn thực phẩm tươi sống.

02253273868
icons8-exercise-96 challenges-icon